Trải nghiệm thực tế của sinh viên Đại học Hoa Sen

Trúng tuyển vào Đại học Dartmouth, Mỹ, Hải Ly vẫn luôn xác định sẽ sang Mỹ vào tháng 8 nhưng buộc phải nghĩ lại vì trường yêu cầu học online.

Theo kế hoạch, Nguyễn Hải Ly, cựu học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, sẽ sang Mỹ giữa tháng 8 để làm quen trước khi nhập học Đại học Dartmouth với học bổng 300.000 USD (gần 7 tỷ đồng) vào giữa tháng 9. Phải đến 24/7, khi Mỹ rút lệnh trục xuất người học nếu chỉ học online vào mùa thu và không tiếp nhận sinh viên quốc tế mới nếu chỉ học online, Ly mới thực sự suy tính việc "gap year" (bảo lưu), học online tại Việt Nam hay sang Mỹ.

Đại học Dartmouth cho phép sinh viên đăng ký hai kỳ học online và hai kỳ học offline trong năm học 2020-2021 để đảm bảo giãn cách xã hội. Nếu học online, sinh viên có thể học tại nước sở tại hoặc sang Mỹ, nhưng phải thuê nhà bên ngoài. Với học offline, các em được ở ký túc xá của trường. "Một số bạn bè của em vẫn quyết định sang Mỹ dù đăng ký học online kỳ mùa thu và kỳ đông, offline kỳ xuân và hè. Một số khác chọn học online hai kỳ ở Việt Nam và cũng có bạn quyết định gap year. Điều này khiến em phải suy tính kỹ lưỡng", Ly nói.

Cho rằng giờ học online sẽ rất bỡ ngỡ, Ly tính chuyện gap year. Em chia sẻ với gia đình và được mọi người ủng hộ. Nữ sinh gửi email sang Đại học Dartmouth để hỏi về chính sách gap year. Được trường trả lời sẽ bảo lưu toàn bộ học bổng như trong thư mời nhập học, Ly bắt đầu lên kế hoạch cho một năm tới ở Việt Nam và không phải đến trường.

Hiện, Ly đã liên hệ với một giảng viên ở Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Đại học Việt Pháp) để xin tham gia vào nhóm nghiên cứu khoa học. Đề tài liên quan một phần đến ngành Kỹ thuật Y Sinh dự định theo đuổi khi sang Mỹ khiến Ly thêm hào hứng.

Nữ sinh Hà Nội dự định nếu tình hình Covid-19 tốt hơn, em sẽ tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa và đi tình nguyện xuyên suốt Việt Nam hoặc ở một số quốc gia khác. Em cũng muốn xin thực tập ở một công ty tại Việt Nam để học hỏi thêm. "Em chưa từng nghĩ tới gap year. Nhưng khi đã quyết định, em muốn biến thời gian đó trở nên hữu ích", Ly chia sẻ.

Nguyễn Hải Ly trong buổi chụp kỷ yếu. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nguyễn Hải Ly trong buổi chụp kỷ yếu. Ảnh: Nhân vật cung cấp


Giống như Ly, Dương Bảo Tiên, cựu học sinh trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, tỉnh Phú Yên, quyết định gap year, không nhập học Đại học Denison (Mỹ) do ảnh hưởng của Covid-19. "Em chỉ định nghỉ một kỳ để dịch lắng xuống rồi qua Mỹ, nhưng trường chỉ có chính sách bảo lưu một năm", Tiên nói.

Về kế hoạch cho một năm ở Việt Nam, Tiên cho biết đang suy nghĩ hai hướng. Một là theo học một đại học ở Việt Nam, có thể là Đại học Ngoại thương hoặc RMIT. Trong thời gian học, Tiên sẽ tận dụng các mối quan hệ để làm dự án cộng đồng cùng các bạn hoặc xây dựng dự án của riêng mình. Hai là nếu không đi học đại học, Tiên sẽ xây dựng một dự án startup về giáo dục.

Không đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học trong nước dù thi tốt nghiệp THPT khá tốt với điểm tiếng Anh và Toán dự đoán 9,8 và 8,4, Tiên đã được nhận vào ngành Quản trị kinh doanh quốc tế của Đại học Ngoại thương cơ sở TP HCM nhờ có giải học sinh giỏi cấp quốc gia và đang chờ kết quả của RMIT. "Vì vậy em thiên về hướng vừa đi học, vừa thực hiện các dự án hơn", Tiên nói.

Khác với Ly và Tiên, Lê Lan Khanh, học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam theo học các lớp online của Đại học Vassar, bang New York, Mỹ từ đầu tháng 7. Trong đợt tuyển sinh sớm của các đại học Mỹ vào tháng 12/2019, nữ sinh giành học bổng của Đại học Vassar với mức hỗ trợ tài chính 252.000 USD (gần 6 tỷ đồng). Em đã lên kế hoạch đến Mỹ vào tháng 8. Thế nhưng Đại học Vassar học online kỳ mùa thu, tức hết tháng 1/2021 vì Covid-19 tại Mỹ và nhiều nơi trên thế giới chưa được kiểm soát.

Nhiều người khuyên nữ sinh nên bảo lưu hoặc học tại Việt Nam, sau đó chuyển tiếp vì việc được trải nghiệm văn hóa, cơ sở vật chất của trường rất quan trọng, nhưng Khanh muốn được học ở Mỹ. Năm học đầu tiên, em mới tiếp cận các môn đại cương, chưa bắt buộc chọn ngành và học chuyên sâu hay nghiên cứu trên phòng thí nghiệm nên việc học online chưa ảnh hưởng nhiều.

Ngoài ra, vì nhận học bổng trị giá lớn, Khanh chỉ phải đóng thêm một khoản tiền không lớn mỗi kỳ. Chi phí này ít hơn so với học phí các trường quốc tế, chất lượng cao tại Việt Nam. Sau khi cân nhắc, nữ sinh quyết định vẫn theo đuổi môi trường học tập của Mỹ. Do học bổng quy định Khanh phải học tại Mỹ tối thiểu ba năm, em dự định học online hết kỳ mùa thu hoặc hết năm nhất rồi đến Mỹ. Trường hợp một năm nữa, tình hình dịch bệnh chưa ổn và trường tiếp tục yêu cầu sinh viên học online, nữ sinh sẽ bảo lưu kết quả (gap year).

Một tháng nay, Khanh đã tham dự các lớp học online do Đại học Vassar tổ chức, dạy kiến thức cơ bản của một số môn đồng thời giới thiệu văn hóa, truyền thống và các hoạt động của trường. Mỗi ngày, em tham gia 1-3 lớp, tổng thời gian học 2-6 tiếng. Hiện, Khanh đã đăng ký xong lịch học các môn cho kỳ mùa thu. Em chủ yếu chọn các môn có lịch học sáng, tức rơi vào khoảng 7-10h tối giờ Việt Nam, tránh việc thức đêm, ảnh hưởng sức khỏe. "Có một chút tiếc nuối khi chưa được sang Mỹ nhưng em khá hài lòng với lựa chọn này", nữ sinh nói.

Lê Hoàng Hào. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Lê Hoàng Hào. Ảnh: Nhân vật cung cấp


Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Lê Hoàng Hào, 18 tuổi, cũng đang tham dự các lớp học online của Đại học British Columbia, Canada, trước khi chính thức khai giảng vào tháng 9. Lúc đầu, khi trường thông báo học online hết kỳ mùa thu, Hào đã tính bỏ học bổng 10.000 CAD (khoảng 170 triệu đồng), học tại Việt Nam vì cảm thấy "du học online" không tương xứng với số tiền học phí phải đóng.

Tuy nhiên, em nhận thấy mình không có nhiều lựa chọn. Do mất nhiều thời gian cân nhắc, nam sinh không nộp nguyện vọng vào bất kỳ đại học công lập nào, còn các trường quốc tế mà em lựa chọn đều đóng đơn, trừ RMIT. Trong khi đó, Hào nhận thấy Đại học British Columbia thể hiện rõ nỗ lực trong việc hỗ trợ sinh viên quốc tế học online khi liên tục email, cung cấp các khóa học online miễn phí.

Do đó, nam sinh quyết định nhập học Đại học British Columbia, chấp nhận học online kỳ đầu tiên. Hào tích cực tham gia vào nhiều khảo sát, bình chọn việc học tập trung tại trường vào kỳ sau. Hiện, em đã học online được 5 buổi và đang tham gia một chương trình gồm Toán, viết luận và nâng cao kỹ năng học online.

Đại học British Columbia cũng xây dựng thời gian biểu riêng cho sinh viên ở khu vực Thái Bình Dương nên Hào không phải học vào đêm, chủ yếu chiều và tối. "Nhận được hỗ trợ và quan tâm của trường, em rất vui. Để đưa ra được quyết định ở Việt Nam học online, em đã mất cả tháng suy nghĩ nên không hối hận về lựa chọn của mình", Hào chia sẻ.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Việt Nam có khoảng 190.000 du học sinh, nhiều nhất là châu Á 70.000, kế đến là châu Mỹ 50.000, châu Âu 40.000, Australia và New Zealand 30.000. Mỗi năm, hàng chục nghìn học sinh lên đường du học. Tuy nhiên, do Covid-19, đa số phải hoãn hoặc bảo lưu kết quả.